I- GIỚI THIỆU

Ung thư tế bào gan (UTTBG) là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở những quốc gia châu Á. Tỷ lệ nam: nữ là 4:1.

Yếu tố nguy cơ chính làm phát triển UTTBG bao gồm:

  • Nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính.
  • Sơ gan thứ phát (là hậu quả của viêm gan siêu vi C, uống rượu hoặcnhững bệnh gan mạn tính khác) dẫn đến hiện tượng viêm gan mạn tính.

Tỉ lệ UTTBG ở châu Á cao hơn rõ rệt so với các nước phương Tây (một trong các nguyên nhân chính là do tỉ lệ bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C khá cao ở châu Á nói chung, VN nói riêng).

II- ĐỊNH NGHĨA

Các khuyến cáo được đề cập trong bài này chỉ dành cho ung thư tế bào gan. Có nghĩa là không áp dụng cho các loại ung thư khác xuất hiện trong gan như ung thư tế bào đường mật, hoặc ung thư nơi khác di căn đến gan.

III- CÁC XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT UTTBG

Các xét nghiệm được chấp nhận hiện nay là: Siêu âm hệ gan mật (gan là cơ quan nội tạng nằm ở ¼ trên-bên phải của bụng, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trong đó có giải độc cho cơ thể và sản xuất mật. Mật được tạo thành sẽ theo những đường ống-ống dẫn mật- từ trong gan đi ra ngoài và xuống ruột, trên đường đi sẽ có 1 trạm dự trữ, đó là túi mật. Vì thế hệ gan-mật có liên hệ chặt chẽ với nhau); và xét nghiệm mức độ alpha feto-protein trong máu (FP or AFP). Mức độ chứng cứ: độ C, mức IV( độ tin cậy cao).

1. Nồng độ AFP trong máu

AFP là một loại protein trong hoàn cảnh bình thường được tiết ra từ tế bào gan chưa trưởng thành của thai nhi. Do đó, trong điều kiện bình thường AFP trong máu có thể cao ở trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ có thai. Trong điều kiện bệnh lý, AFP được tiết bởi tế bào ung thư gan, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư buồng trứng,… hoặc tế bào gan tái sinh (trong viêm gan mạn)

  • Nồng độ bình thường phải <10 ng/ml.
  • <200 ng/ml là tăng nhẹ: có nguy cơ cao sẽ bị UTTBG.
  • <500 ng/ml: tăng vừa, xuất hiện ở những người ung thư gan hoặc có tình trạng viêm gan mãn tính.
  • >500 ng/ml tăng rất cao: 99% là UTTBG, hoặc ung thư ở buồng trứng hay tinh hoàn.

Độ tin cậy của xét nghiệm rất cao 90%: tức là nếu xét nghiệm là dương tính (AFP tăng lên) thì 90% BN đó mắc bệnh UTTBG.

Nhưng độ chính xác của XN chỉ đạt từ 40%, tức là trong số bệnh nhân bị UTTBG, chỉ có 40% có kết quả xác định dương tính. Nói cách khác, ở người có kết quả xét nghiệm âm tính, không thể xác định người đó không mắc bệnh.

Bên cạnh đó, đa số những người được phát hiện có AFP cao trong máu lại đang ở trong giai đoạn sau của bệnh. Do đó, AFP riêng lẻ chưa bao giờ được coi là một công cụ tầm soát hữu hiệu.

2. Siêu âm chẩn đoán ung thư gan

Cùng với xét nghiệm AFP, siêu âm là 1 xét nghiệm thông thường nhất được sử dụng để phát hiện ung thư gan. Độ nhạy cảm của xét nghiệm này là 68%-87% (tức là hễ 100 người có khối u trong gan được siêu âm thì có 68-87 người được phát hiện).
Còn mức độ dương tính giả là 28%-82% (tức là hễ trong 100 người được cho là thấy khối u ở gan trên siêu âm thì có thể có từ 28-82 người thực tế không phải mắc ung thư gan. Cho thấy mức độ tin cậy của xét nghiệm này ở mức trung bình). Đa số những trường hợp dương tính giả là do trong gan của người đó có những nốt tân sinh do quá trình xơ gan, và những người này cũng nên được giới thiệu đến chuyên khoa để có những chẩn đoán chính xác hơn (xơ gan cũng là một bệnh nghiêm trọng và có tỉ lệ tử vong không kém gì ung thư)

Việc kết hợp siêu âm gan và đo nồng độ AFP trong máu tối ưu hơn việc thực hiện riêng lẻ các xét nghiệm này trong phác đồ tầm soát ung thư gan.

3. Xét nghiệm khác

Chức năng gan: Xét nghiệm này được dùng nhiều trong chẩn đóan các bệnh ở gan như Viêm gan siêu vi, xơ gan (vì toàn bộ lá gan bị ảnh hưởng trong các bệnh này) hơn là được sử dung trong chẩn đoán ung thư gan.

Tuy nhiên, nếu kết quả cho thấy có sự giảm Albumin/máu (một chất protein trong máu do gan sản xuất, chất này bị giảm chứng tỏ chức năng gan đã bị tổn thương), cùng với sự tăng của Alkaline Phosphatase, bệnh nhân đó nên được làm những xét nghiệm khác để xác định thêm.

IV- NHỮNG BẰNG CHỨNG CHO CÁC XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT UNG THƯ GAN

1. Nhóm đối tượng nào cần tầm soát ung thư gan?

Đó là:

  • Bệnh nhân nhiễm Siêu vi viêm gan B mãn tính. Trong nhóm này còn có các yếu tố nguy cơ cao sau: giới nam, trên 45 tuổi, trong gia đình cóngười bị UTG, kết hợp với xơ gan, hoặc đồng nhiễm thêm Siêu vi viêm gan C.
  • Bệnh nhân bị xơ gan: Ở nhóm BN này, mặc dù có thể phát hiện được khối u, nhưng lại không phù hợp cho tiến hành phẫu thuật cắt gan được.
  • Tuy nhiên, trên những xét nghiệm tình cờ phát hiện khối u ở những người còn trẻ, không triệu chứng, không nhiễm siêu vi viêm gan B, không xơ gan.

2. Lưu ý

Có nhiều trường hợp được xác định là dương tính giả, tức XN thì dương tính nhưng lại không mắc bệnh. Việc này dễ đưa đến phải tiến hành những thủ thuật cao cấp hơn, và đương nhiên là tốn kém và nguy hiểm cho BN hơn, như chụp mạch máu chọn lọc hay sinh thiết gan.

V- KẾT LUẬN

Nhóm đối tượng cần làm xét nghiệm chẩn đoán sớm ung thư gan là:

  • Người nhiễm siêu vi viêm gan B mãn tính.
  • BN nhiễm siêu vi viêm gan C trên nền xơ gan.
  • BN xơ gan do các nguyên nhân khác ( rượu, viêm gan mãn do thuốc…)

Chu kì làm xét nghiệm:

  • Mỗi 2-3 tháng đối với AFP.
  • Mỗi 6-12 tháng đối với Siêu âm gan.

VI- PHÒNG NGỪA

Nếu bạn chưa nhiễm Viêm gan siêu vi: hãy đến bệnh viện hay trung tâm y tế dự phòng để chủng ngừa.

Nếu bạn chưa bị xơ gan, hãy hạn chế uống rượu.

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ, hãy làm xét nghiệm tầm soát định kì như đã được hướng dẫn ở trên