Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với đại dịch viêm gan virus với tỷ lệ người nhiễm virus cao. Ước tính có từ 10-20% dân số Việt Nam (khoảng từ 12-16 triệu người) nhiễm virus viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mãn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.

         Do tính chất viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, lây truyền giữa người với người thông qua đường máu dưới một số hình thức lây lan qua tiêm truyền, hoạt động tình dục, mẹ sang con,....Bệnh diễn biến đa số âm thầm, kín đáo, khó phát hiện, đôi khi có thể có biểu hiện vàng da, vàng mắt, người mệt mỏi,..Hậu quả của bệnh viêm gan B mãn tính thì rất nặng nề. Đối với mỗi cá nhân thì nó có thể diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan. Và thông qua các đường lây truyền, bệnh nhân có thể lại lây lan ra cộng đồng và các người thân yêu. Có rất nhiều bệnh nhân vì cơ thể thấy không có gì bất thường, mặc dù biết mình nhiễm virus viêm gan B lâu năm nên không đi khám. Khi thấy cơ thể có biểu hiện đau tức, mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn, nôn ra máu, chân phù, bụng trướng,... mới đi khám thì bệnh lý đã là xơ gan mất bù hoặc ung thư gan, rất khó khăn cho điều trị.

         Với sự phát triển của y học hiện đại, các xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm gan B chuyên sâu rất chính xác. Và các thuốc điều trị viêm gan B hiện nay nhiều thế hệ đã ra đời và rất hiệu quả trong điều trị viêm gan B. Cũng gần giống như bệnh nhân viêm gan C, các bệnh nhân viêm gan B cần đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý của mình để có hướng theo dõi và điều trị. Đối với bệnh nhân mới kiểm tra lần đầu, cần làm các xét nghiệm đánh giá chức năng và hình ảnh gan, mức độ xơ hoá và định lượng tải lượng virus HBV-DNA, định lượng các thành phần marker của virus HBV. Sau đó, bác sĩ sẽ có kết luận chính xác tình trạng viêm gan B lành tính hay đang hoạt động, mức độ xơ hoá gan, có chỉ đinh điều trị hợp lý và chế độ theo dõi kiểm tra định kỳ. Với các trường hợp đã điều trị tái phát hoặc đáp ứng kém với điều trị, bác sĩ có thể cho thêm chỉ định xác định genotype của HBV, tìm đột biến kháng thuốc của HBV,....

            Danh mục xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán viêm gan B gồm:

STT

Xét nghiệm

Ý nghĩa

I – Đánh giá tình trạng gan

 

1

Tổng phân tích máu, đông máu (nếu cần)

Đánh giá tình trạng chung của máu, có một vài gợi ý tình trạng bệnh lý viêm gan

2

10 – 12 thông số chức năng gan

Đánh giá tình trạng cơ bản các chức năng của gan

3

Siêu âm ổ bụng

Đánh giá hình ảnh gan, mật, xơ gan, dịch ổ bụng và phát hiện khối bất thường trong gan

4

Fibrotest

Phát hiện sớm tình trạng xơ gan

5

AFP, AFP-L3, CEA,....

Phát hiện ung thư gan

6

Chẩn đoán mô bệnh học

Xác định xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan

7

CT ổ bụng có tiêm thuốc cản quang

Chỉ định khi có nghi ngờ hoặc có khối bất thường trong gan.

II – Tình trạng nhiễm virus viêm gan B

 

8

HBsAg định lượng

Đánh giá sự hoạt động của HBV trong tế bào gan, hiệu quả điều trị và tiên lượng.

9

HBV-DNA

Tải lượng HBV/mL máu.

10

Genotype HBV

Xác định genotype HBV

11

Tìm đột biến kháng thuốc HBV

Xác định các đột biến kháng thuốc trên gen P

12

Tìm các đột biến trên gen BCP/PC

Để xác định các đột biến của HBV liên quan đến xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.

13

HBsAg định tính

Xác định nhiễm virus viêm gan B

14

HBsAb

Đánh giá khả năng miễn dịch của cơ thể đối với HBV

15

HBcAb total, HBcAb IgM

Đánh giá nhiễm HBV cấp hay mạn tính

16

HBeAg, HBeAb

Để đánh giá giai đoạn viêm gan B mạn (cần được đánh giá cùng với ALT và HBV-DNA)

17

HBV-RNA

XN mới, theo dõi và đánh giá tình trạng nhiễm virut viêm gan B


BS Tuấn Anh