Góp một phần không nhỏ trong việc chẩn đoán, điều trị, phát hiện bệnh, thậm chí tham gia phá các vụ trọng án nhưng những bác sĩ giải phẫu bệnh lại được rất ít người biết đến.

Âm thầm và lặng lẽ

Bác sĩ CKII Trần Minh Thông, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh lý, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM , Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu bệnh, Đại học Y Dược TP HCM, kể: "Cách đây hơn 20 năm, có một bệnh nhân đi vùng kinh tế mới bị sốt rét ác tính. Người nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nhưng rồi đã tử vong. 

Lúc bấy giờ, tình hình bệnh sốt rét rất phức tạp. Số người mắc tăng đột biến, số lượng bệnh nhân tử vong rất cao, nói không quá thì nó như một đại dịch, buộc ngành y tế phải nghiên cứu tìm nguyên nhân. Nếu bệnh nhân chết ở bệnh viện do sốt rét thì phải mổ tử thi.

Người con của bệnh nhân đang đi bộ đội nghe tin cha bị sốt rét đã vào viện để thăm. Đến nơi, anh biết ba mình đang bị mổ xác, anh không nói không rằng cầm súng lăm lăm đi tìm bác sĩ để bắn. Tôi đang đứng mổ thì thấy anh giơ súng lên, tôi vứt dao, nhảy qua cửa sổ chạy trốn. Đến khuya mới dám quay lại tiếp tục công việc".

Giải phẫu bệnh là để tìm ra nguyên nhân bệnh, biết được bản chất của bệnh tật. Bác sĩ giải phẫu bệnh là người chẩn đoán những mẫu bệnh phẩm từ cơ thể bệnh nhân để các bác sĩ lâm sàng căn cứ vào đó mà điều trị. Bác sĩ giải phẫu bệnh không được gặp mặt bệnh nhân. Nhiều khi họ cũng không biết được kết quả điều trị ra sao.

Không bao giờ bác sĩ giải phẫu bệnh nhận được lời cảm ơn từ bệnh nhân khi họ được chữa khỏi, bởi họ chỉ biết đến bác sĩ trực tiếp điều trị. Nhưng nếu bác sĩ giải phẫu bệnh chẩn đoán mẫu bệnh phẩm sai, hoặc bác sĩ lâm sàng lấy mẫu chưa chuẩn dẫn đến kết quả không chính xác, điều trị không hiệu quả thì lúc đó mọi lỗi lầm lại đổ lên đầu bác sĩ giải phẫu bệnh.

 

 

Bác sĩ của bác sĩ

 

 

Bác sĩ giải phẫu bệnh được gọi là “bác sĩ của bác sĩ” bởi họ là những người đưa ra kết luận cuối cùng về chẩn đoán bệnh. Thế nhưng có một thực tế là hiện nay, vai trò, sự phối hợp của của bác sĩ giải phẫu bệnh với các chuyên khoa khác trong cùng một bệnh viện cũng chưa thật sự được coi trọng. 

BS Thông cho biết, giải phẫu bệnh là khâu cuối cùng, quan trọng nhất trong việc chẩn đoán ung thư hay không, nếu không có sự phối hợp tốt thì rất dễ dẫn đến những chẩn đoán sai, không chính xác.

BS Trần Minh Thông tâm sự: “Bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ X-quang trong một bệnh viện phải trở thành một teamwork (làm việc theo nhóm), phối hợp chặt chẽ với nhau trong từng vụ việc, từng trường hợp thì mới đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất”.

Trong y học, tử thi là người thầy vĩ đại. Tử thi đã giúp bác sĩ giải phẫu bệnh chỉ ra chân lý sự thật: Cái chết đó là do bệnh tật hay cái chết đó là do sự tắc trách, thờ ơ và cũng có thể là do chuyên môn yếu kém của bác sĩ. 

BS Thông trầm ngâm: “Bác sĩ giải phẫu bệnh phải giải thích được vì sao bệnh nhân chết tại bệnh viện: do bệnh hay do thầy thuốc? Phải rõ ngọn nguồn và đưa ra kết luận. Phải giải phẫu tử thi. Việc này thân nhân không muốn và thầy thuốc cũng không muốn. Áp lực vô hình lại đổ lên vai, trách nhiệm thì nặng nề mà gần như không được tôn vinh. 

Có lẽ vì thế mà có rất ít sinh viên học y muốn theo nghề giải phẫu bệnh. Bên cạnh đó, việc đào tạo bác sĩ giải phẫu bệnh, pháp y trong các trường đại học còn quá sơ sài. Số tiết được dạy trong các trường quá ít khiến sinh viên không nắm được bản chất, tầm quan trọng của chuyên ngành giải phẫu bệnh ”.

BS Trần Minh Thông cho biết, ngành giải phẫu bệnh, trong đó có pháp y đòi hỏi tính chuyên môn hóa rất cao. Ngoài pháp y tử thi, còn có pháp y người sống, pháp y độc chất… Hiện nay đang rất thiếu bác sĩ pháp y tử thi, gần như sắp “tuyệt tự”, trong khi việc đào tạo pháp y độc chất thì quá yếu kém. 

Đây là nguy cơ dễ gây oan sai hay phức tạp hóa quá trình điều tra bởi bác sĩ pháp y như một quan tòa ẩn dật, cung cấp thông tin khoa học cho thẩm phán để xử đúng người hoặc giảm nhẹ, hoặc minh oan cho người bị kết án.

An Nhiên - Báo Infonet