Xét nghiệm nước tiểu là một phần trong quy trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm nước tiểu bao gồm quan sát đại thể nước tiểu (xem số lượng, màu sắc, độ trong), xét nghiệm bằng các que nhúng (so màu sắc thay đổi biểu hiện trên que nhúng với màu chuẩn quy định trên mẫu) và xét nghiệm vi thể nước tiểu (xem dưới kính hiển vi để tìm các tinh thể, trụ, tế bào vẩy, vi trùng và các tế bào khác).

 

Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp bác sỹ phát hiện một số bệnh như đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu mạn tính, bệnh thận… căn cứ trên độ pH đậm đặc, hàm lượng đạm, đường, cetone, nitrite trong nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu cũng giúp cho kết luận chính xác những đối tượng co sử dụng heroin. Xét nghiệm nước tiểu cũng là một cách để thử xem có thai hay không.

Tùy theo từng quy trình lấy mẫu xét nghiệm riêng mà cần có những chuẩn bị khác nhau, nhưng thông thường là phải vệ sinh sạch bộ phận sinh dục ngoài và bỏ phần nước tiểu đầu (100 – 200ml) sau đó mới lấy nước tiểu. Các mẫu nước tiểu thường được lấy vào buổi sáng. Có nhiều cách lấy mẫu nước tiểu: Lấy nước tiểu giữa dòng (bệnh nhân tự lấy mẫu vào ống nghiệm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên); lấy nước tiểu qua sonde niệu đạo (kỹ thuật viên sẽ dùng một sonde nhỏ đặt vào bàng quang để lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm vi trùng); lấy nước tiểu qua chọc hút bàng quang (kỹ thuật viên sẽ chọc hút bàng quang bằng xilanh).

Xét nghiệm này được các bác sỹ quan tâm vì thể hiện được toàn bộ các chất trong thời gian dài, chính xác hơn, đặc biệt trong một số bệnh như viêm cầu thận, đái tháo đường, ung thư…