Theo đài RT (Nga), các nhà khoa học hy vọng bước đột phá này sẽ dẫn tới phát hiện sớm bệnh và hé lộ những nguyên nhân chưa từng được biết đến về rối loạn này.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Warwick ở Convetry, Anh, đã tiến hành nghiên cứu trên 38 đứa trẻ bị chẩn đoán rối loạn tự kỷ và một nhóm khác gồm 31 trẻ bình thường độ tuổi từ 5-12. Kết quả phân tích các mẫu máu và nước tiểu từ hai nhóm được cung cấp cho một thuật toán, giúp sản xuất ra một phương trình toán học nhằm phân biệt giữa nhóm trẻ tự kỷ và nhóm bình thường.


"Phát hiện của chúng tôi có thể dẫn đến phát hiện sớm và ngăn chặn bệnh tự kỷ", Tiến sĩ Naila Rabbani, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Rối loạn tự kỷ chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội của trẻ em, bao gồm một loạt các vấn đề về hành vi như ngôn ngữ, sự ứng xử, tính hiếu động, tâm trạng dễ lo lắng, tức giận và khó khăn để hòa nhập vào môi trường mới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính, ngày nay có khoảng 1/68 trẻ em ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi rối loạn tự kỷ - trong đó tỉ lệ trẻ tự kỷ ở trẻ trai cao gấp 4 lần ở các bé gái. Tại Anh, tỉ lệ trẻ em bị tự kỷ là khoảng 1/100. Mặc dù vậy, nguyên nhân gây chứng tự kỷ vẫn chưa được khoa học hiểu rõ hoàn toàn.
Nghiên cứu của trường Warwick đã phác họa mối liên hệ giữa những rối loạn phổ tự kỷ (ASD) với tổn thương ở những protein trong huyết tương máu. Huyết tương của những trẻ bị ASD được phát hiện có hàm lượng cao hơn các chất oxy hóa được biết đến với tên gọi dityrosine và một hợp chất được gọi tắt là AGE. Tiến sĩ Rabbani hy vọng "những thử nghiệm tiếp theo sẽ tiết lộ thêm những hợp chất bị tổn hại tiềm tàng, từ đó sẽ giúp cải thiện việc chẩn đoán ASD và chỉ ra những nguyên nhân mới của chứng tự kỷ".
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu hiện vẫn còn phải tiến hành thêm các phân tích khác trước khi đưa xét nghiệm tự kỷ phổ biến trong công chúng.

Theo Tin Tức