Hiện nay, hầu hết xét nghiệm công thức máu được thực hiện trên các hệ thống máy huyết học tự động. Các hệ thống máy này ngày càng hiện đại và cho kết quả càng chính xác hơn. Có 3 nguyên lý chính đang được áp dụng trên các hệ thống máy huyết học tự động gồm: Phương pháp trở kháng, phương pháp Laser và phương pháp phát xạ huỳnh quang. Tùy vào nhà sản xuất hoặc model sản xuất mà áp dụng chỉ một, hai hoặc cả ba nguyên lý này trên cùng một hệ thống. 3 phương pháp này đều có những ưu và nhược điểm khác nhau và chúng sẽ bổ trợ cho nhau để có thể cho ra một kết quả xét nghiệm chính xác nhất. Tuy nhiên, dù các hệ thống này có hiện đại đến đâu thì sẽ vẫn còn những nhược điểm, đó chính là lý do để kết quả đôi khi sẽ không còn chính xác. Đã khi nào máy chạy ra một kết quả mà bạn nhìn vào thấy đắn đo suy nghĩ, không dám trả bệnh nhân chưa? Mình nghĩ là có, thậm chí nhiều là khác. Vậy những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm này. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ có những biện luận cho các kết quả bất thường mà bạn gặp phải.

1. Ảnh hưởng đến dòng hồng cầu.

1.1. Số lượng hồng cầu tăng

- Do bệnh nhân bị mất nước và điện giải gây tăng giả tạo hồng cầu do máu bị cô đặc.

- Tiểu cầu to: Có những bệnh nhân có tiểu cầu rất to dẫn đến một số máy sẽ đếm nhầm thành hồng cầu nhưng tỉ lệ nhầm, cũng như số lượng bị nhầm cũng không nhiều.

- Ống máu lắc không đều và hút máu ở phần đáy ống cũng sẽ làm tăng số lượng hồng cầu.
1.2. Giảm số lượng hồng cầu.

- Chống đông sai tỉ lệ, lấy lượng máu ít hơn quy định nhất là với loại chống đông EDTA ướt. Khi đó sẽ làm pha loãng máu, gây giảm số lượng hồng cầu.

- Hồng cầu bị vỡ: trong quá trình lấy máu nhiều khi bạn dùng đầu kim nhỏ lại hút với 1 áp lực lớn có thể gây vỡ hồng cầu hoặc một số bệnh nhân có màng hồng cầu kém, hoặc do thao tác lắc... sẽ làm vỡ hồng cầu, khi đó số lượng sẽ giảm đi.

- Lắc ống máu không đều và hút ở phần trên sẽ làm giảm rõ rệt số lượng hồng cầu.

- Tăng độ nhớt của huyết tương có thể làm lượng máu hút vào máy không đủ, thường trong trường hợp này sẽ giảm cả 3 dòng.

- Máu bị đông dây: Cho chống đông không tốt hoặc lấy máu quá lâu sẽ làm máu bị đông dây gây giảm số lượng hồng cầu.

- Hồng cầu bị ngưng kết do kháng thể lạnh. Các hồng cầu bị ngưng kết với nhau do kháng thể bất thường hoạt động trong điều kiện 4-22 độ.

- Hồng cầu quá nhỏ: Đôi khi ở một số bệnh nhân, nguyên liệu tạo hồng cầu không đủ mà lại cần sản sinh một lượng lớn hồng cầu sẽ làm các hồng cầu nhỏ và máy có thể sẽ đếm nhầm thành tiểu cầu.
1.3. Tăng lượng huyết sắc tố:

- Máu bị cô đăc: Khi máu bị cô đặc cũng sẽ làm tăng lượng huyết sắc tố.

- Huyết tương đục: Vì hệ thống máy đo huyết sắc tố bằng phương pháp đo quang, nên khi huyết tương đục sẽ làm tăng lượng huyết sắc tố. Có thể do tăng mỡ máu, tăng protein huyết tương hoặc tăng số lượng bạch cầu.
1.4. Giảm số lượng huyết sắc tố:
- Do lấy máu không đủ và chống đông sai tỉ lệ nhất là với chống đông EDTA dạng ướt.

2. Ảnh hưởng đến dòng Bạch cầu.

2.1. Tăng số lượng bạch cầu:

- Hồng cầu non ra máu ngoại vi: Đây là trường hợp hay gặp nhất, các hồng cầu non có nhân ra máu ngoại vi làm cho máy đếm nhầm thành bạch cầu. Hoặc đôi khi tiểu cầu có nhân cũng làm máy đếm nhầm thành bạch cầu.
2.2. Giảm số lượng bạch cầu:

- Chống đông sai tỉ lệ.

- Máu bị đông dây hoặc để quá lâu làm bạch cầu vón dính lại với nhau.

- Lắc ống máu không đều.

- Tăng độ nhớt huyết tương làm lượng máu hút vào máy không đủ.
2.3. Thay đổi công thức bạch cầu:

- Hồng cầu non ra máu ngoại vi sẽ làm tăng số lượng bạch cầu và thường làm tăng bạch cầu lympho.

3. Ảnh hưởng đến dòng tiểu cầu.

3.1. Tăng số lượng tiểu cầu:

- Mảnh vỡ hồng cầu: Các mảnh vỡ của hồng cầu có thể được máy đếm nhầm thành tiểu cầu.

- Bụi bẩn: trong máu, trong đường ống hoặc trong hóa chất sẽ làm tăng số lượng tiểu cầu.

- Nhiễu xung điện: Do máy không được nối đất nên có thể gây tạo ra các nhiễu xung điện, máy sẽ ghi nhận thành tiểu cầu gây tăng giả tạo. Vì vậy hãy nhớ phải nối đất cho máy.

3.2. Giảm số lượng tiểu cầu.

- Chống đông sai tỉ lệ.

- Máu để quá lâu gây vón tiểu cầu.

- Máu bị đông dây.

Trên đây là một số các yếu tố ảnh hường đến kết quả xét nghiệm công thức máu khi phân tích bằng máy huyết học mà qua kinh nghiệm của mình ghi nhận được. Rất mong các bạn tiếp tục đóng góp thêm cho hoàn chỉnh. Qua đây có thể thấy dù hệ thống máy có hiện đại đến đâu thì vẫn không thể thay thế hoàn toàn được con người. Khi kết quả bất thường bạn nên kéo 1 lam máu nhuộm giemsa để đánh giá thì sẽ tốt hơn.

Cao Tuyến