Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc Đại học Y Dược TP HCM, cho biết chì là kim loại nặng, độc tính mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể, lâu dần sẽ gây bệnh. Kim loại này không mùi, không vị nên bằng mắt thường không thể phát hiện sự tồn tại của nó trong thực phẩm, chỉ khi kiếm nghiệm mới xác định được.

Chì có thể nhiễm vào nước, thức ăn, thực phẩm..., với lượng nhỏ trong ngưỡng quy định thì không gây hại bởi nó sẽ được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi. Tuy nhiên, sử dụng hàng ngày với hàm lượng chì vượt ngưỡng, lâu dần sẽ tích lũy, gây ngộ độc chì mạn, biểu hiện bởi tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt và ảnh hưởng thần kinh.

Ngộ độc chì chia làm 2 nhóm. Thứ nhất là cấp tính gây tăng áp lực nội sọ, tổn thương não cấp, nơron thần kinh, triệu chứng thường gặp là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật. Thứ hai là mạn tính, độc tố tích lũy dần dần trong cơ thể. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng và gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Bệnh nhi có thể bị kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh (IQ). Ngộ độc chì được coi là ngộ độc báo động và được kiểm soát đặc biệt ở Mỹ.
 


Bệnh nhân bị ngộ độc chì cấp cần đưa đến bệnh viện cấp cứu và dùng thuốc giải độc chì chuyên sâu. Trường hợp ngộ độc mạn tính thì cần loại bỏ khả năng tiếp xúc với chì từ trong đất, cát, vật liệu xây dựng, nguồn nước phải kiểm tra có bị nhiễm chì hay không, không để các bé tiếp xúc với pin. Trong khẩu phần dinh dưỡng cần bổ sung thêm sắt và canxi.

Tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì do Bộ Y tế ban hành nêu rõ: Chì không có vai trò có lợi về sinh lý với cơ thể. Nồng độ chì máu toàn phần bình thường là dưới 10 mg /dl, nồng độ lý tưởng là 0. Con người có thể tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau như:

- Thực phẩm: Đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt.

- Các thuốc nam: dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi…lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn).

- Sơn có chì: Các loại sơn cũ, đồ chơi dùng sơn chì.

- Môi trường sống: Bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm sơn chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì, dùng xăng có chì, nước từ đất ô nhiễm, hệ thống ống dẫn nước bằng chì (loại ống cũ), không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, khói do xăng dầu có chì.

- Nghề nghiệp có nguy cơ cao phơi nhiễm chì như sửa chữa bộ tản nhiệt động cơ, sản xuất thuỷ tinh, hướng dẫn tập bắn, thu gom đạn, nung, nấu chì, tinh chế chì, đúc, cắt chì, sơn, công nhân xây dựng (làm việc với sơn chì), sản xuất nhựa polyvinyl chloride, phá, dỡ tàu, sản xuất, sửa chữa và tái sử dụng ắc quy.

- Các nguồn có chì khác: Đồ dùng bằng gốm sứ thủ công có chì, mảnh đạn chì trên cơ thể, pin có chì, lưới đánh cá buộc chì.

Theo khuyến cáo, trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm chì, người dân có thể đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như các xét nghiệm lâm sàng. Một người được chẩn đoán xác định nhiễm chì khi: Tiếp xúc với các nguồn có chì hoặc xuất hiện triệu chứng gợi ý, đồng thời xét nghiệm chì trong máu cao hơn 10 mg/dl (tiêu chuẩn bắt buộc).

Các cấp độ chẩn đoán nhiễm độc chì ở trẻ em:

- Mức độ nặng (bệnh lý não): Theo dõi lâm sàng thấy có bất thường ở thần kinh trung ương dẫn đến thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, phù gai thị, liệt dây thần kinh sọ, tăng áp lực nội sọ. Triệu chứng tiêu hoá thường gặp là nôn kéo dài. Bệnh nhân bị thiếu máu, có thể kết hợp thiếu sắt. Xét nghiệm nồng độ chì máu trên 70 mg/dl. Các trường hợp này thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ.

Hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề. Tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống dưới 5% khi có các thuốc gắp chì hiệu quả, từ 25 đến 30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn bao gồm chậm phát triển trí tuệ (mất khả năng học tập và tự phục vụ), co giật, mù, liệt.

- Mức độ trung bình (tiền bệnh lý não): Thần kinh trung ương tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bỏ chơi, quấy khóc. Triệu chứng tiêu hoá thường gặp là nôn từng lúc, đau bụng, chán ăn. Xét nghiệm nồng độ chì máu từ 45 đến 70 mg/dl.

- Mức độ nhẹ: Theo dõi trên lâm sàng thấy triệu chứng kín đáo hoặc không có biểu hiện. Xét nghiệm nồng độ chì máu dưới 45 mg/dL. Phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ và thể chất, cần phải điều trị. Có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độchì máu, ngay cả khi nồng độ chì máu thấp.

Các cấp độ chẩn đoán mức độ ngộ độc chì ở người lớn:

- Mức độ nặng (bệnh lý não): Biểu hiện bất thường liên quan đến thần kinh trung ương như hôn mê, co giật, trạng thái mù mờ, sảng, rối loạn vận động khu trú, đau đầu, phù gai thị, viêm thần kinh thị giác, dấu hiệu tăng áp lực nội sọ. Thần kinh ngoại vi như liệt ngoại biên. Triệu chứng tiêu hoá thường gặp là đau quặn bụng, nôn. Bệnh nhân bị thiếu máu, có thể kết hợp thiếu sắt và bệnh lý thận. Xét nghiệm nồng độ chì máu trên 100 mg/dL.

- Mức độ trung bình: Biểu hiện bất thường liên quan đến thần kinh trung ương như đau đầu, mất trí nhớ, giảm khả năng tình dục, mất ngủ, nguy cơ cao biểu hiện bệnh lý não. Có thể có bệnh lý thần kinh ngoại biên, giảm dẫn truyền thần kinh. Bệnh nhân có thể bị triệu chứng tiêu hoá như có vị kim loại, đau bụng, chán ăn, táo bón. Bệnh thận mạn tính. Cơ quan khác: Thiếu máu nhẹ, đau cơ, yếu cơ, đau khớp. Xét nghiệm nồng độ chì máu từ 70 đến 100 mg/dl.

- Mức độ nhẹ: Triệu chứng liên quan đến thần kinh trung ương như mệt mỏi, hay buồn ngủ, giảm trí nhớ. Có thể bị thiếu hụt về thần kinh tâm thần khi làm các kiểm tra đánh giá. Bệnh nhân bị giảm dẫn truyền thần kinh ngoại vi. Các kiểm tra đánh giá về tâm thần suy giảm, bệnh lý thận, bắt đầu có thiếu máu, giảm khả năng sinh sản, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hoá. Xét nghiệm nồng độ chì máu từ 40 đến 69 mg/dl.

- Không có triệu chứng hoặc triệu chứng kín đáo: Theo dõi lâm sàng thấy giảm số lượng tinh trùng, nguy cơ sẩy thai ở bà bầu. Nguy cơ tăng huyết áp, tăng protoporphyrin hồng cầu. Xét nghiệm: Nồng độ chì máu dưới 40 mg/dl. Biểu hiện nặng thường là cấp tính hoặc đợt cấp của ngộ độc mạn tính.

TRẦN NGOAN