Việt Nam hiện tại có hơn 300.000 liệt sỹ vô danh. Việc trả lại tên cho các liệt vô danh và đưa các liệt sỹ về với gia đình, người thân của mình là công việc được toàn xã hội đặc biệt quan tâm.

       Vì được quan tâm đặc biệt như vây, đã có rất nhiều phương thức để xác định danh tính cho các liệt sỹ ra đời như qua phương tiên truyền thông với các chương trình trên sóng phát thanh và truyền hình (Ví dụ chương trình đi tìm đồng độ của truyền hình Quân đội nhân dân), các trang web trên intenet (Như:http://www.nhantimdongdoi.org) và qua các nhà ngoại cảm đã xác định được hàng chục ngàn liệt sỹ vô danh. Nhưng vẫn còn rất nhiều các liệt sỹ cần xác định lại thân nhân của mình.

        Ở các nước phát triển việc xác định danh tính cho các hài cốt bằng phương pháp giám định DNA đã áp dụng từ hàng chục năm nay, đặc biệt là ở Mỹ cũng có hàng chục nghìn lính mỹ bị mất tích qua các cuộc chiến tranh thế giới lần 2, chiến tranh xâm lược Việt nam...

I. GIỚI THIỆU VỀ GIÁM ĐỊNH DNA HÀI CỐT

1. Ty thể và hệ gen ty thể:

         Ty thể là một bào quan quan trọng của tế bào, nằm trong nguyên sinh chất của tế bào. Trong một tế bào người luôn tồn tại song song hai hệ gen, hệ gen nhân (nuclear genome) và hệ gen ty thể (mitochondria genome) hai hệ gen này đều có sản phẩm riêng hoạt động có tính chất vừa độc lập vừa tương tác. Hệ gen ty thể chịu ảnh hưởng điều hoà của hệ gen nhân cho nên quá trình hoạt động, phân chia của ty thể phụ thuộc một phần vào sự chỉ huy của hệ gen nhân tế bào.

 


Hình 1: Ty thể trong tế bào người

          Hệ gen ty thể là một cấu trúc tạo bởi DNA hai sợi khép kín, có độ dài khoảng từ 13-25 nghìn nucleotide chứa 12-13 gen. Trình tự DNA của gen ty thể thường ổn định qua một thời gian dài trong lịch sử tiến hoá và sự khác biệt trình tự của gen ty thể giữa các thành viên có quan hệ di truyền theo dòng mẹ là rất hiếm.

2. Cơ sở khoa học của giám định DNA ty thể:

        Ở người DNA ty thể có 16569 cặp bazơ (nucleotide) trong đó có chứa tổng cộng 37 gen mã hoá các sản phẩm, ngoài ra còn có vùng không mã hoá gọi là vùng kiểm soát hay vùng D-Loop có chứa nhiều đặc điểm cấu trúc DNA đặc trưng cho cá thể và vì vậy nó được sử dụng cho mục đích giám định hình sự truy nguyên nguồn gốc cá thể và xác định mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ.

Hình 2: Cấu trúc hệ gen ty thể

         Cấu trúc DNA ty thể người lần đầu tiên được Anderson và cộng sự giải trình tự vào năm 1981 tại phòng thí nghiệm của Fredrick Sanger ở Cambridge nước Anh, ngày nay trình tự gốc này được sử dụng như trình tự chuẩn để thông qua đó so sánh trình tự DNA ty thể giữa các mẫu giám định. Trình tự này được gọi là trình tự Anderson hay trình tự Cambridge.

        DNA ty thể có giá trị trong Khoa học hình sự và giám định hài cốt vì chỉ cần một lượng mẫu rất ít thậm chí hầu hết đã bị biến tính, hư hỏng do điều kiện môi trường vẫn có thể tách chiết được DNA ty thể và nhân bội đạt kết quả phục vụ giám định. Chính vì vậy trong các trường hợp mà mẫu giám định là xương, răng, tóc không còn gốc...vv chỉ có thể giải quyết được bằng giám định DNA ty thể.

       Trong quần thể người DNA ty thể di truyền nghiêm ngặt theo dòng mẹ, trong tất cả tế bào của các mô và tổ chức cơ thể đều có chứa DNA ty thể với cấu trúc như DNA ty thể của mẹ.

       Mặt khác toàn bộ tế bào trứng của một người mẹ sinh ra trong các thời điểm khác nhau đều có chứa trình tự bazơ-nitơ trong DNA ty thể giống nhau nên mọi người con sinh ra từ cùng một mẹ có trình tự nucleotide của DNA ty thể đồng nhất với nhau, ngoại trừ trường hợp xảy ra đột biến. Quá trình di truyền này được lặp đi lặp lại từ đời này sang đời khác đối với dòng nữ và ta gọi đó là sự di truyền DNA ty thể theo dòng mẹ, DNA ty thể chỉ di truyền theo phương pháp này.

        Qua đó chúng ta thấy rằng, DNA ty thể rất có ý nghĩa trong giám định các vụ việc liên quan đến người mất tích, giám định hài cốt..

 

Phả hệ xác định di truyền theo dòng mẹ DNA ty thể inheritance (maternal)

 

II. PHƯƠNG PHÁP GIÁM ĐỊNH DNA TY THỂ

       Lấy một lượng nhỏ xương hài cốt để tách chiết DNA ty thể: Phòng thí nghiệm để tách DNA ty thể phải có môi trường rất sạch vì DNA ty thể có khả năng nhiễm cao.

       Sau khi tách đươc DNA ty thể từ hài cốt, tiến hành nhân bội DNA vùng D-loop bằng máy PCR9700 để thu được một lượng lớn DNA ty thể phục vụ cho việc giải trình tự (sử dụng máy giải trình tự có công nghệ hiện đại Miseq của hãng Illumina- Mỹ để giải trình tự DNA vùng D-loop).

       Sau khi giải được trình tự DNA ty thể của các mẫu cần giám định, các trình tự này được so sánh với nhau bằng phần mềm SeqScape 2.5, sự so sánh này đều thông qua trình tự chuẩn Anderson để tìm ra mối quan hệ huyết thống giữa chúng với nhau.

 

https://gentis.com.vn/pic/Service/images/SeqScape.jpg

Phần mềm so sánh trình tự của các mẫu với nhau.