Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu hay còn gọi là xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm thường quy tại các phòng xét nghiệm. Gần như tất cả các phòng xét nghiệm đều thực hiện được xét nghiệm này. Xét nghiệm có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy. Tuy nhiên dù làm bằng tay hay bằng máy thì việc lấy máu đều được thực hiện thủ công. Cách lấy và bảo quản bệnh phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xét nghiệm. Dù hệ thống máy của bạn có hiện đại đến đâu nhưng lấy bệnh phẩm không tốt thì kết quả cũng sẽ không chính xác. Vậy làm sao để lấy và bảo quản bệnh phẩm cho đúng. Trong bài viết này mình sẽ đi sâu vào 8 điểm cần lưu ý khi lấy máu để xét nghiệm công thức máu. Rất mong bạn đọc quan tâm và lưu ý những chia sẻ của mình để lấy và bảo quản đúng giúp kết quả xét nghiệm được chính xác hơn.

1. Dụng cụ lấy máu phải sạch.
Phải dùng ống xét nghiệm sạch vì nếu có lẫn bẩn trong ống máu sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Hiện nay gần như hoàn toàn chúng ta dùng bơm kim tiêm 1 lần và ống nghiệm chuyên dụng 1 lần bằng nhựa nên vấn đề này không đáng ngại. Nếu nơi nào đó còn dùng ống nghiệm thủy tinh tái sử dụng thì cần lưu ý chọn các ống nghiệm sạch.

2. Lấy máu từ mao mạch hoặc tĩnh mạch
Đây là nơi máu ngoại vi lưu hành. Có thể dùng máu động mạch nhưng hạn chế vì khó lấy. Máu mao mạch chỉ lấy khi làm ít xét nghiệm hoặc không lấy được máu tĩnh mạch (như trẻ nhỏ chẳng hạn). Chủ yếu nhất là dùng máu tĩnh mạch. Dễ lấy, dễ cầm máu sau lấy. Không lấy máu chảy ra từ vết thương để làm xét nghiệm.

3. Sử dụng đúng chất chống đông.
Với các xét nghiệm công thức máu chúng ta thường sử dụng chất chống đông là EDTA (Etylen diamin tetra acetic acid). EDTA ngoài tác dụng chống đông máu bằng việc tạo phức với ion Canxi trong máu còn có tác dụng giữ nguyên được hình dạng tế bào máu. Các ống chống đông EDTA thường có 3 dạng là dạng nước, dạng phun sương, dạng đông khô. Nên sử dụng loại phun sương vì dễ chống đông, gần như không làm thay đổi thể tích. Loại EDTA nước thì dễ chống đông nhưng lại làm thay đổi thể tích dẫn đến máu bị pha loãng. Loại EDTA đông khô thì không làm thay đổi thể tích nhưng khó chống đông (phải lắc kỹ sau khi bơm máu vào). Mình đã gặp trường hợp là khi đi lấy máu khám sức khỏe, do phải lấy nhiều và nhanh nên không kịp lắc kỹ, sau khi lấy xong về chạy máy thì bị đông rất nhiều mẫu. Do vậy cũng không nên dùng loại này. Không sử dụng chống đông Natri citrat vì loại này lượng dung dịch chống đông rất nhiều nên sẽ làm sai kết quả. Chống đông heparin thì tuyệt đối không dùng vì nó sẽ làm vón tiểu cầu nên khi xét nghiệm tiểu cầu bị giảm rất nhiều.

4. Lấy đủ lượng máu
Như mình đã nói ở trên nếu bạn lấy không đủ máu thì máu sẽ bị pha loãng và kế quả các tế bào máu sẽ bị giảm. Do vậy bạn phải lấy đủ lượng máu. Theo quy định là 2 ml. Nhưng nếu bạn không lấy được đủ thì tối thiểu cũng phải được 1ml. Còn trong trường hợp lấy được quá ít thì hoặc bạn phải dùng chống đông EDTA khô hoặc phải đổ bớt chống đông ướt đi nhưng lượng máu cũng phải được ít nhất 0,5ml. Tuyệt đối không lấy quá lượng máu theo quy định vì như vậy lượng chống đông không đủ nên máu sẽ bị đông dây hoặc đông hoàn toàn. 

5. Máu không bị vỡ hồng cầu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vỡ hồng cầu đầu tiên là do áp lực dòng máu lớn có thể do lấy máu quá nhanh bằng kim nhỏ hoặc một số nơi không tháo kim trước khi bơm máu vào ống nghiệm cũng làm vỡ hồng cầu. Nguyên nhân thứ 2 là có thể do chính hồng cầu của bệnh nhân có màng kém bền vững dẫn đến vỡ hồng cầu. Khi vỡ hồng cầu như vậy sẽ làm giảm số lượng hồng cầu và tăng số lượng tiểu cầu (mảnh vỡ hồng cầu máy sẽ đếm nhầm thành tiểu cầu). Do vậy kinh nghiệm của mình là dùng đầu kim to (23G) và rút máu chậm, tháo đốc kim khi bơm máu vào ống nghiệm và bơm máu nhẹ nhàng vào thành ống nghiệm để giảm tối đa nguy cơ bị vỡ hồng cầu.

6. Máu không bị đông dây.
Đây là lỗi hay gặp nhất. Nguyên nhân làm đông dây có thể do lấy máu quá chậm, chọc ven quá lâu mà không lấy được máu. Ngoài ra nguyên nhân lớn nữa là do không lắc kỹ chống đông, hoặc lượng máu nhiều hơn so với quy định. Khi máu bị đông dây thì các chỉ số tế bào máu đều giảm đặc biệt là tiểu cầu. Vì vậy khi lấy máu cần nhanh và chính xác, lấy đủ và lắc kỹ ống máu.

7. Máu không bị pha loãng.
Như đã nói ở phần trên. Nếu bạn lấy lượng máu quá ít trong khi lượng chống đông nhiều sẽ làm pha loãng máu. Kết quả là số lượng cả 3 dòng tế bào máu đều giảm. Mình nhắc lại là với chống đông EDTA tối thiểu tránh sai số bạn phải lấy được 1ml máu, được 2ml là tốt nhất. 
Một lưu ý nữa là không được lấy máu qua kim truyền dịch, máu tự do trong ổ bụng do vỡ tạng. Không bóp nặn để cố lấy máu mao mạch. Không dồn máu từ các ống chống đông lại cho đủ. Tất cả những trường hợp trên đều làm pha loãng máu.

8. Đảm bảo thời gian và điều kiện bảo quản.
Xét nghiệm tế bào máu ngoài việc đếm số lượng các tế bào máu còn phải quan sát hình thái các tế bào máu, việc thay đổi hình thái tế bào máu sẽ làm sai kết quả xét nghiệm nên bệnh phẩm làm xét nghiệm tế bào máu cần phải được đưa ngay lên phòng xét nghiệm để tiến hành làm xét nghiệm càng sớm càng tốt, nếu để lâu hoặc để trong điều kiện nhiệt độ cao, quá thấp (ngâm đá) các tế bào máu sẽ thay đổi hình thái thậm chí bị vỡ gây khó khăn trong việc xác định hình thái tế bào. Tốt nhất là làm xét nghiệm trong vòng 1h sau khi lấy máu. Nếu vì một lý do nào đó không làm được phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và cũng không được quá 4h.