Trong ngoại kiểm người ta thường sử dụng 3 thông số sau để đánh giá:

 

1. Độ chệch (Bias-D)

 

Độ chệch thể hiện mức độ sai khác giữa kết quả ngoại kiểm của phòng xét nghiệm bạn với giá trị ấn định

 

Công thức: D = x-X

 

Hoặc D% = (x-X)/X × 100

 

Trong đó:

- D hay D% là độ chệch (Bias)

- x: Kết quả ngoại kiểm của PXN tham gia.

- X: trị số ấn định.

 

Trong đó giá trị ấn định được xác định qua 5 cách:

 

- Sử dụng mẫu ngoại kiểm là mẫu được chứng nhận (CRM)

 

- Mẫu ngoại kiểm được điều chế từ mẫu CRM.

 

- Mẫu ngoại kiểm được hiệu chuẩn theo mẫu CRM.

 

- Mẫu ngoại kiểm được xác định bởi phòng xét nghiệm tham chiếu.

 

- Mẫu ngoại kiểm được xác định qua kết quả của các phòng tham gia ngoại kiểm. Trong đó cách này là phổ biến. Tức là giá trị ấn định thường được tính bằng trung bình đo của nhóm phòng xét nghiệm cùng phương pháp.

 

Như vậy các bạn có thể thấy độ chệch thể hiện sự sai khác kết quả PXN của bạn với các PXN khác. Giá trị này có thể âm hoặc dương. Giá trị này càng lớn (trong trường hợp dương) và/hoặc càng nhỏ (trong trường hợp âm) thì kết quả PXN của bạn càng sai khác so với các phòng xét nghiệm khác có cùng phương pháp.

 

 

2. Chỉ số độ lệch chuẩn (Standard Deviation Index –SDI)

 

Chỉ số độ lệch chuẩn được tính cho từng xét nghiệm riêng biệt giúp đánh giá độ chệch của xét nghiệm so với giá trị ấn định. Tức là sẽ đánh giá từng xét nghiệm của từng phòng so với nhóm tham gia (cùng phương pháp, thuốc thử, thiết bị…)

 

Công thức tính

 

SDI = (x-X)/SD

 

Trong đó:

- SDI là chỉ số độ lệch chuẩn.

- x là kết quả ngoại kiểm tra của từng xét nghiệm của PXN.

- X: là giá trị ấn định của từng xét nghiệm của nhóm tham gia (cùng phương pháp, thuốc thử, thiết bị…).

- SD: là độ lệch chuẩn của nhóm tương đương.

 

Kết quả:

 

- |SDI| < 2: Kết quả chấp nhận

 

- 2 ≤ |SDI| < 3: Kết quả cảnh báo cần chú ý theo dõi

 

- |SDI| ≥ 3: Kết quả không chấp nhận, PXN cần tìm nguyên nhân và có các hành động khắc phục.

 

Như vậy bạn thấy kết quả này phụ thuộc khá nhiều vào độ lệch chuẩn của nhóm tham gia. Tức là kết quả của nhóm mà càng lệch nhau thì kết quả của bạn có lệch đi một chút cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Ngược lại nếu kết quả của nhóm càng gần nhau thì một sự sai lệch nhỏ trong kết quả của bạn cũng đã làm thay đổi SDI rất nhiều. Vì ảnh hưởng nhiều do kết quả SD củ nhóm nên hiện nay người ta sử dụng chỉ số Z-core nhiều hơn.

 

 

3. Chỉ số z-core.

z-core có ý nghĩa tương đương với SDI, tuy nhiên z-core ít bị ảnh hưởng hơn so với SDI do không phụ thuộc vào SD của nhóm PXN tham gia.

 

Công thức tính z-core như sau:

z-core = (x-X)/σp

 

Trong đó:

- x: kết quả ngoại kiểm của PXN.

- X: giá trị ấn định của nhóm tham gia.

- σp: Độ lệch chuẩn cho phép. Độ lệch chuẩn cho phép được tính bởi công thức: σp = (% khoảng biến thiên sinh học cho phép × giá trị ấn định)/3

 

Biện luận z-core:

 

- |z-core| < 2 : kết quả chấp nhận được.

 

- 2 ≤ |z-core| < 3 : Kết quả cảnh báo, cần chú ý theo dõi.

 

- |z-core| ≥ 3 : kết quả không chấp nhận, cần tìm nguyên nhân và hành động khắc phục.

 

Như vậy các bạn thấy ở đây, trong công thức không có SD của nhóm tham gia. Do vậy kết quả sẽ ổn định hơn. Hiện nay chỉ số này được các đơn vị tổ chức ngoại kiểm sử dụng nhiều hơn so với SDI.